LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN NAM

SOUTH VIETNAM GEOLOGICAL MAPPING DIVISION

30 NĂM THÀNH LẬP LIÊN ĐOÀN BẢN ĐỒ ĐỊA CHẤT MIỀN NAM

Liên hệ tham khảo
Năm 2005 là năm có nhiều ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước; là năm đánh dấu mốc son quan trọng trên con đường 60 năm phát triển ngành Địa chất Việt Nam và 30 năm thành lập Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam (tiền thân là Liên đoàn Địa chất 6).

 TS. NGUYỄN HỮU TÝ
Phó Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam

Ba mươi năm qua là chặng đường dài ghi nhiều dấu ấn về sự phát triển và trưởng thành không ngừng của Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam. Kể từ buổi đầu thành lập (22/11/1975) ngay sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, với tên gọi Liên đoàn Địa chất 6.

Ngay từ khi thành lập, từ một nhóm nhỏ CBNV thuộc Đoàn Địa chất khu vực B2 cũ đã sát cánh cùng lực lượng cán bộ, công nhân viên Địa chất vừa được điều động từ Miền Bắc vào phải bắt tay thực hiện các nhiệm vụ phổ tra, tìm kiếm, thăm dò các mỏ nguyên liệu khoáng nhằm phục vụ cho công cuộc khôi phục, phát triển kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân sau chiến tranh. Trong thời kỳ khó khăn gian khổ này, chúng ta không thể nào quên hình ảnh những người Địa chất đã lao động quên mình trên các vùng mỏ than bùn, đá vôi, sét kaolin, sét gạch ngói, sét bentonit, cát thủy tinh, sa khoáng titan-zirconi thuộc khu vực tây Nam Bộ, đông Nam Bộ, cực nam Trung Bộ. Đây là những tháng năm gian khổ mà hào hùng của các nhà Địa chất; họ đã bất chấp hiểm nguy, thiếu thốn để thực hiện nhiệm vụ điều tra, nghiên cứu trong các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng biên giới còn in đầy vết tích chiến tranh và sự chống phá của các thế lực thù địch.

Bước vào đầu thập kỷ 80 và những năm đầu của thời kỳ đổi mới với sự bổ sung tăng cường lực lượng cán bộ KHKT và trang thiết bị từ các đơn vị bạn và từ Miền Bắc; Liên đoàn đã triển khai thực hiện chương trình hợp tác với khối SEV tiến hành thăm dò các mỏ bauxit ở Đắk Nông, Di Linh - Bảo Lộc và xác định đây là những vùng quặng có chất lượng tốt và trữ lượng lớn. Ngoài ra, trong thời kỳ này Liên đoàn cũng triển khai thực hiện các nhiệm vụ điều tra địa chất khoáng sản trong công tác đo vẽ lập bản đồ địa chất nhóm tờ Đồng bằng Nam Bộ, tỷ lệ 1/200.000; tờ Thành phố Hồ Chí Minh, tỷ lệ 1/50.000 và các nhiệm vụ khảo sát, tìm kiếm, thăm dò khoáng sản như: molibden, thiếc, chì kẽm, đá quí, vàng,... tại các tỉnh cực nam Trung Bộ. Các kết quả điều tra, khảo sát, thăm dò địa chất khoáng sản của Liên đoàn trong thời kỳ này đã là những cơ sở tài liệu quan trọng phục vụ cho công tác quy hoạch phát triển KTXH của các địa phương.
Thời kỳ đầu những năm 90 cho tới nay, Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam đã sát nhập và tổ chức lại sản xuất, tiếp tục phát triển và trưởng thành. Liên đoàn thực hiện các đề tài nghiên cứu; các nhiệm vụ đề án đo vẽ lập bản đồ địa chất khoáng sản theo kế hoạch của Nhà nước giao. Ngoài ra, trong Liên đoàn còn có một đội ngũ các chuyên gia về nhiều lĩnh vực chuyên môn địa chất, khoáng sản, phân tích thí nghiệm,v,v..; luôn thực hiện tốt các yêu cầu về tư vấn và dịch vụ điều tra, khảo sát, thăm dò, qui hoạch, đánh giá môi trường, nghiên cứu địa chất môi trường, địa chất tai biến, địa chất đô thị nhằm phục vụ các ngành, các địa phương và doanh nghiệp.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch Nhà nước giao và các hợp đồng dịch vụ với các địa phương, doanh nghiệp trong những năm qua của Liên đoàn là rất to lớn. Liên đoàn đã tổ chức thực hiện tốt các đề tài, đề án với nhiều phát hiện địa chất khoáng sản mới, nhiều mỏ mới được thăm dò, đánh giá. Sản lượng vốn thực hiện hàng năm của Liên đoàn có xu hướng tăng năm sau cao hơn năm trước. Cơ sở làm việc ngày một khang trang hơn và đang được ngành chú ý đầu tư bổ sung thêm nhiều trang thiết bị mới. Đội ngũ cán bộ KHKT trong Liên đoàn hiện có gần 20 tiến sỹ, thạc sỹ; hơn 100 kỹ sư, cử nhân và nhiều kỹ thuật viên, công nhân lành nghề. Đây là nguồn vốn quí sau 30 năm phát triển và trưởng thành của Liên đoàn, hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện tốt mọi nhiệm vụ địa chất khoáng sản trong thời gian tới; xứng đáng với vai trò là một trung tâm nghiên cứu, khảo sát, điều tra địa chất mạnh của khu vực phía Nam.
Nhìn lại chặng đường vẻ vang 60 năm thành lập ngành Địa chất Việt Nam và 30 năm thành lập Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam, chúng ta vô cùng tự hào vì những thành quả lao động gian khổ của lớp lớp thế hệ cán bộ công nhân viên Địa chất trong những năm qua đã và đang góp phần xứng đáng vào công cuộc phát triển của đất nước. Ba mươi năm qua bằng những kết quả nghiên cứu, điều tra, khảo sát, thăm dò của các nhà Địa chất được đúc kết trong các công trình đo vẽ lập bản đồ địa chất, đề tài nghiên cứu kiến tạo sinh khoáng, nghiên cứu triển vọng đá quí và các công trình tìm kiếm thăm dò những vùng mỏ cụ thể đã cho thấy lãnh thổ phía Nam của Tổ quốc Việt Nam cũng rất giàu các nguồn tài nguyên khoáng sản và vạch ra các tiền đề, dấu hiệu cần thiết phải được đầu tư nghiên cứu đánh giá đầy đủ, chính xác để có cơ sở qui hoạch khai thác tài nguyên khoáng sản một cách hợp lý, tiết kiệm nhằm phục vụ mục tiêu phát triển bền vững của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Năm 2005 là cột mốc lịch sử đáng nhớ của ngành Địa chất Việt Nam nói chung và của Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam nói riêng. Từ đây, nhìn lại quá khứ, chúng ta càng tự hào bao nhiêu với những thành quả đã đạt được lại càng thấy rõ những thách thức, khó khăn và trách nhiệm nặng nề bấy nhiêu trong chặng đường phát triển sắp tới của mình. Với công nghệ và phương tiện điều tra nghiên cứu đang lạc hậu như hiện nay, với nguồn vốn đầu tư hạn chế và thiếu đồng bộ, với trình độ nguồn nhân lực và cơ chế tổ chức còn nhiều bất cập bằng cách nào để đẩy mạnh nhịp độ và nâng cao hiệu quả công tác điều tra, nghiên cứu địa chất khoáng sản nhằm đáp ứng tốt nhất các chiến lược phát triển KTXH của đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 10 với mục tiêu là đến năm 2020 đưa nước ta thành nước công nghiệp. Đây là một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, một sứ mệnh rất vẻ vang của những người làm công tác địa chất.
Kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Địa chất và 30 năm thành lập Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam, mỗi một cán bộ công nhân viên địa chất trong Liên đoàn hãy sống và công tác xứng đáng với quá khứ hào hùng của mình, đẩy mạnh thi đua công tác, nghiên cứu, học tập nhằm nâng cao trình độ góp phần đưa ngành Địa chất nói chung và Liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam phát triển lên một tầm cao mới.
Nhân dịp các ngày lễ trọng thể này, Lãnh đạo và cán bộ công nhân viên Liên đoàn Bản đồ địa chất Miền Nam xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với nhân dân và chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế, các trường đại học, viện nghiên cứu và các nhà khoa học đã dành nhiều tình cảm quí mến, dành sự tin cậy và hợp tác, giúp đỡ Liên đoàn trong quá trình hoạt động của mình./.