Bài 9: LÚN MẶT ĐẤT TẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: PHẢI CHĂNG DO KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT?
Hiện tượng lún bề mặt đất tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố tại một số đề tài nghiên cứu, hội nghị, hội thảo.
NGUYỄN VIỆT KỲ1, LÊ XUÂN THUYÊN2, ĐÀO HỒNG HẢI1, ĐỖ VĂN LĨNH3
1Đại học Bách khoa Tp. HCM, 268 Lý Thường Kiệt, Q.10, Tp. HCM; 2Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQG-HCM, 227 Nguyễn Văn Cừ, Q.5, Tp. HCM; 3Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam, 200 Lý Chính Thắng, Q.3, Tp. HCM
Tóm tắt: Hiện tượng lún bề mặt đất tại Đồng bằng sông Cửu Long đã được nhiều tác giả nghiên cứu và công bố tại một số đề tài nghiên cứu, hội nghị, hội thảo. Hầu hết đều cho rằng lún bề mặt đất tại đây là do khai thác nước dưới đất quá mức. Bài báo này đặt lại vấn đề: Phải chăng lún bề mặt đất chỉ là do khai thác nước dưới đất hay còn những nguyên nhân khác nữa? Bằng những kết quả tính toán theo công thức Lohman và những kết quả quan trắc lún nông của một nghiên cứu khác, nhóm tác giả có những nhận định hoàn toàn khác với những kết luận trước đây đó là: lún ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân, trong đó lún mặt đất do khai thác nước dưới đất chiếm một phần rất nhỏ (trung bình 0,36 mm/năm), mà chủ yếu là do quá trình trầm nén trầm tích, trong trường hợp này là lún cố kết lớp bùn sét trên bề mặt. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả có những kiến nghị về công tác khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước dưới đất trong bối cảnh vùng này đang chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu.